Công dụng chữa bệnh không ngờ từ hẹ
Gỏi cuốn ngon hơn nhờ những lá hẹ bên trong, ngoài ra những món canh hẹ, hẹ xào, muối dưa chua cũng được nhiều người ưa chuộng. Bên cạnh tác dụng là thực phẩm hàng ngày, hẹ còn là cây thuốc có khả năng chữa được nhiều bệnh.
Hẹ có nhiều dược tính
Theo Đông y, lá hẹ ăn sống có tính nhiệt, nấu chín thì ôn, vị cay có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ và giải độc. Thường dùng chữa ngực đau tức, nấc, ngã chấn thương,… Gốc rễ hẹ và hạt hẹ đều có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Cây hẹ là cây thân thảo, có chiều cao khoảng 20-40 cm, giàu dược tính và có mùi thơm rất đặc trưng. Theo nghiên cứu hiện đại, hẹ có chứa nhiều vitamin nhóm B và khoáng chất quan trọng như đồng, pyridoxin, sắt, niacin, mandan, thiamin, canxi, riboflavin…
Khả năng chữa bệnh của cây hẹ
Hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngừa táo bón
Hẹ có đặc tính chống vi khuẩn và chống nấm, tẩy vi khuẩn và nấm trong đường ruột, đảm bảo cho hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt. Đặc biệt, loại rau này còn rất giàu chất xơ giúp tiêu hóa hiệu quả hơn. Ăn nhiều hẹ sẽ cung cấp lượng lớn chất xơ cho ruột và ruột kết, giúp loại bỏ nguy cơ bị táo bón.
Ngừa mụn, tốt cho da khô
Trong hẹ chứa beta-carotene có tác dụng làm sáng làn da, ngăn ngừa mụn.
Hẹ tươi cũng là giải pháp chống khô da. Nghiền hẹ rồi đắp lên mặt, để khô trong vòng 30 phút sau đó rửa mặt lại, làm thường xuyên, bạn sẽ nhận thấy da có sự thay đổi rõ rệt. Đồng thời ăn hẹ thường xuyên sẽ giúp bạn có làn da sáng rạng rỡ.
Mô hình trồng hẹ tại gia để bổ sung cho bữa ăn
Chống đông máu
Nhiều nghiên cứu cho thấy, flavonoid có trong hẹ có khả năng giúp cân bằng huyết áp, đặc biệt giúp giảm huyết áp cao. Hẹ còn giàu vitamin C có tác dụng tăng cường tính đàn hồi của các mao mạch máu và thúc đẩy sự hấp thụ sắt trong cơ thể. Ăn hẹ thường xuyên sẽ ngăn ngừa chứng đông máu.
Giảm cảm giác khó chịu khi mang thai
Hẹ tươi chứa rất nhiều axit folic - loại axit amin có vai trò quan trọng trong quá trình phân chia tế bào. Phụ nữ mang thai tiêu thụ một lượng axit folic phù hợp sẽ ngăn chặn được đáng kể dị tật bẩm sinh về ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.
Giúp xương chắc khỏe
Việc ăn hẹ thường xuyên có thể làm giảm quá trình khử khoáng ở xương. Hẹ chứa nhiều vitamin K, là loại vitamin giúp hệ xương cứng cáp hơn. Đặc biệt phụ nữ dễ bị loãng xương hơn nam giới nên thường xuyên ăn hẹ sẽ giúp tăng mật độ xương và sự dẻo dai cho cơ thể.
Ăn hẹ để chắc xương, kháng viêm
Chống viêm, chất kháng sinh mạnh hơn penicillin
Thành phần của cây hẹ chứa các hoạt chất kháng sinh mạnh như allcin, odorin, sulfit mạnh hơn cả kháng sinh penicillin, chống được tụ cầu và nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus hemolyticus, Salmonella tryphi, Shigella flexneri, Shigella shiga, Coli bethesda, Bacillus subtilis…
Vì vậy, bạn có thể chữa được ngứa ghẻ, chín mé, nhiễm trùng da bằng cách đắp lá giã nhỏ lên vết thương. Trẻ em bị viêm tai có thể lấy nước lá hẹ nhỏ vào để diệt vi khuẩn. Đồng thời, kháng sinh trong lá hẹ cũng diệt được trùng roi âm đạo nên chúng cũng trở thành bài thuốc phụ khoa hữu hiệu cho chị em hay tiết dịch âm đạo, viêm nhiễm, khí hư. Có thể dùng bằng cách uống nước lá và rửa ngoài âm đạo.
Giảm nguy cơ mắc ung thư
Hẹ là nguồn chứa chất flavonoid và lưu huỳnh tự nhiên có thể ngăn chặn một số loại bệnh ung thư hiệu quả. Những chất này giúp chống lại các gốc tự do và ngăn chặn chúng phát triển. Ăn hẹ thường xuyên có thể phòng ung thư đại tràng, vú, tuyến tiền liệt, phổi và dạ dày.
Bổ sung hẹ vào bữa ăn để phòng nhiều bệnh
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây hẹ
– Hen suyễn (thở khò khè): Dùng một nắm lá hẹ giã nát, sắc nước lên để uống.
– Chứng táo bón: Hạt hẹ rang vàng, giã nhỏ. Mỗi lần uống 5g bằng cách hòa nước sôi uống ngày 3 lần.
– Đau răng: Lấy một nắm hẹ (cả rễ) giã nhuyễn, đặt vào chỗ đau, đặt liên tục cho đến khi khỏi.
– Cảm mạo, ho do lạnh: Lá hẹ 250g, gừng tươi 25g, cho thêm ít đường hấp chín, ăn cái, uống nước.
– Chứng đái dầm ở trẻ em: Nấu cháo gạo 50g, dùng 25g rễ hẹ vắt lấy nước cho vào cháo đang sôi, thêm ít đường, ăn nóng, dùng liên tục trong 10 ngày.
– Chữa tiểu nhiều lần vào ban đêm: Lá hẹ, dây tơ hồng xanh, ngũ vị tử, phúc bồn tử, câu kỷ tử, nữ trinh tử (mỗi vị 40g), đem phơi khô tán bột, mỗi lần uống 6g. Ngày uống 2 lần với nước ấm.