Chi tiết bài viết

Kỹ thuật trồng rau ngót


Trồng rau ngót không khó vì loại rau này không kén đất, dễ sống và chỗ nào cũng trồng được. Cho nên đa số bà con thường trồng nó quanh các giếng nước, quanh bờ ao, dọc theo bờ rào, theo các lối đi… chủ yếu là để tận dụng đất.

Rau ngót dễ trồng, ít sâu bệnh

Rau ngót có nơi gọi là cây bồ ngót. Người ta sử dụng lá để nấu canh với thịt hay tôm rất thanh mát. Trong rau ngót có nhiều chất dinh dưỡng và vitamin, nhất là chất đạm với các amino axit rất quan trọng đối với cơ thể.

Một số kỹ thuật trồng rau ngót

Rau ngót sinh trưởng tốt nhất ở những nơi đất có nhiều mùn, có độ ẩm cao.

Rau này thường được trồng bằng thân. Ta chọn những đoạn thân ở cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh và chặt thành từng đoạn 20-25cm. Cắm các đoạn thân đó vào các rãnh đã chuẩn bị sẵn rộng 20-25cm và sâu 10-15cm. Mỗi rãnh nên cách nhau khoảng 40-50cm để có lối đi vào khi hái lá.

Kỹ thuật giâm cành khi trồng rau ngót

Sau khi cắm cành, ta phải giữ ẩm cho đất. Khoảng 10-15 ngày sau là hom sẽ mọc rễ và nảy chồi.

Rau ngót là cây rau ăn lá nên cần nhiều đạm và lân, lượng kali có thể ít hơn.

Khi cây được 40-50cm thì có thể tiến hành thu hoạch, ta cắt cách gốc 10-15cm. Cây sẽ lại đâm chồi tiếp, lúc này cần bón thêm nước tiểu pha loãng hoặc dung dịch urê 1%. Ta phải luôn tưới ẩm cho đất nhưng cũng cần xới xáo để cho đất được thông thoáng.

Thu hoạch rau ngót để nấu canh

Rau ngót sinh trưởng rất nhanh và ít sâu bệnh, cứ 20-25 ngày là có thể hái rau ăn. Ruộng rau ngót có thể giữ được vài năm. Khi nào thấy cây già và cằn cỗi thì mới phải thay bằng cách trồng lại.

Rau ngót ngoài chế biến món canh trong bữa ăn còn được dùng làm thuốc để chữa sót nhau, tưa lưỡi ở trẻ em, chữa ho, viêm phổi, ban sởi, sốt cao, bí tiểu, tiêu độc… Vì vậy, mỗi gia đình đều nên trồng rau ngót tại nhà để ăn và làm thuốc khi cần.

Bài viết liên quan