Tổng hợp 6 loại rau sạch dễ trồng bằng phương pháp thủy canh
Hiện nay, việc chuyển hướng sang tiêu chí “tự trồng tự ăn” tại gia ngày càng được nhân rộng. Trong đó, mô hình trồng rau thủy canh được khá nhiều người quan tâm.
Trồng tỏi theo hình thức thủy canh
Thủy canh là cách trồng rau sạch không cần đất mà trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng. Kỹ thuật trồng rau không quá phức tạp, thích hợp với các loại cây, rau mầm có thời gian thu hoạch ngắn. Dụng cụ trồng thường sẵn có trong gia đình như: Xoong, nồi, chậu nhựa, rổ, khay nhựa hình chữ nhật, hũ sành, nồi đất… Ngay bây giờ, bạn có thể lựa chọn ngay 6 loại rau dễ trồng bằng thủy canh sau đây để thực hiện ngay tại nơi mình đang sống.
Với những phương pháp này, bạn có thể tận dụng phần rễ hoặc thân của các loại rau trong quá trình chế biến món ăn. Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn dụng cụ trồng, nước và dung dịch dinh dưỡng (có thể mua tại các cửa hàng chuyên bán hạt giống nông nghiệp).
1. Tỏi
Thường thì mầm tỏi mọc từ các tép tỏi, mỗi tép sẽ phát triển thành một cây con. Khi tỏi bắt đầu mọc mầm, bạn hãy đặt chúng vào một cái đĩa sâu lòng với một chút nước có pha loãng dung dịch dinh dưỡng. Khi mầm tỏi nhô tương đối cứng cáp (khoảng 16 ngày tuổi), bạn có thể trồng xuống đất vườn hoặc trồng trong các thùng xốp, lấp đất kín các tép tỏi. Rễ tỏi sẽ phát triển nhanh và mạnh nếu gặp thời tiết ấm áp.
2. Hành lá
Khi nấu ăn, bạn hãy giữ lại phần rễ và khoảng 3cm phần ngọn non để trồng. Nếu trồng ít bạn chỉ cần dùng các cốc thủy tinh chứa nước có pha loãng dung dịch dinh dưỡng và để nơi có ánh sáng. Chỉ vài ngày sau, nhánh hành đã bị cắt sẽ mọc lại phần lá xanh tươi hơn. Bạn chỉ cần cắt phần ngọn ra ăn, để phần gốc hành trong cốc nước để trồng tiếp. (Lưu ý chọn giống hành thân cứng cáp, khỏe để tránh bị ứng nước).
Cải thìa thủy canh
3. Cải thìa
Cắt bỏ phần lá phía trên để chế biến món ăn còn phần gốc khoảng 2cm có thể giữ lại để trồng theo phương pháp thủy canh. Đặt gốc cải vào trong một bát nước ấm nhỏ sao cho chỉ ngập 2/3 là hợp lý. Sau 1 tuần ngâm trong nước, khi rễ cây đã ra tương đối thì bạn có thể chuyển chúng ra trồng trong đất vườn hoặc đặt trong các chậu có pha loãng dung dịch dinh dưỡng để giúp cây sinh trưởng tốt hơn.
4. Xà lách
Tận dụng gốc rau xà lách sau khi đã nhặt lá. Đặt gốc rau xà lách ngập ½ trong nước, đảm bảo giữ nước ở mức này, nếu để ngập hết gốc, xà lách sẽ bị thối, không thể mọc mầm và ra lá. Khi rễ mới xuất hiện, bạn chuyển cây vào đất hoặc chậu có pha loãng dung dịnh dinh dưỡng vào nước. Các lá xà lách sẽ phát triển kích thước rất nhanh trong điều kiện thoáng mát, đủ ánh sáng mà không cần bón phân bón.
5. Húng quế
Húng quế là loại cây rau dễ trồng, thích ứng tốt với nhiều loại thời tiết. Bạn có thể thực hiện đơn giản bằng cách đặt ngọn húng quế dài 5 – 7cm vào cốc nước, sau đó đặt ở nơi có nhiều ánh nắng. Khi rễ mới mọc ra dài đến 5cm, bạn hãy chuyển chúng vào chậu. Pha loãng dung dịch dinh dưỡng với nước và đặt cây rau vào chậu. Sau một thời gian, cây sẽ phát triển thành nhiều nhánh và tươi tốt. Bạn nhớ thay nước thường xuyên để cây không bị thối nhé!
6. Rau mùi
Nếu đặt nhánh rau mùi trong cốc nước, chúng sẽ phát triển thành cây. Ươm đến khi rễ đủ dài, trồng rau vào chậu đất. Đặt chậu ở nơi có nhiều ánh sáng, cung cấp đủ nước. Sau khoảng 1 tháng, rau sẽ mọc tươi tốt và bạn có thể sử dụng bất cứ lúc nào.
Chúc bạn thành công khi trồng rau sạch và an toàn tại nhà với phương pháp thủy canh đơn giản.